PVC-IC Tin tức Tin Kinh tế - Văn hóa xã hội Không gian ngầm - “mỏ vàng” của đô thị

Không gian ngầm - “mỏ vàng” của đô thị

InEmail

Không gian ngầm có một giá trị quan trọng tại các đô thị trên thế giới để xây dựng các trung tâm thương mại, các công trình giao thông ngầm… Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quy hoạch, phát triển không gian ngầm vẫn còn rất hạn chế và thiếu đồng bộ, chưa kết nối thực sự hiệu quả với nhau.

Dưới tòa nhà Vincom Center này là 6 tầng hầm.

Giá trị lớn từ không gian ngầm

Trung tâm thương mại Vincom Center (tọa lạc 3 con đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi của Q.1, TP.HCM) là mô hình hoạt động dịch vụ khép kín từ trung tâm thương mại (TTTM), giải trí, ăn uống, vui chơi tới khu văn phòng và căn hộ cao cấp cho thuê. Vincom Center cao 26 tầng và 6 tầng hầm trên diện tích mặt bằng là 7.371m2. Đặc biệt, trong khi phần lớn các cao ốc, TTTM thường dùng tầng hầm là nơi để xe thì tại đây khu shopping mall được bố trí nằm từ tầng hầm B3 đến tầng L2 có tổng diện tích là 57.704m2. Theo ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch Cty CP Vincom, đây là TTTM ngầm có quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm có đầy đủ các dịch vụ tiện ích như các cửa hàng, cửa hiệu thời trang, siêu thị, ẩm thực, các dịch vụ vui chơi giải trí...

Zen Plaza (đường Nguyễn Trãi, Q.1) có 14 tầng, với hơn 20 nghìn m2, trước đây có tầng hầm dùng để xe. Hiện nay Zen đã cải tạo một phần hầm làm siêu thị. Tương tự như vậy, Galaxy Cinema (Nguyễn Du, Q.1) ngoài chức năng chính là rạp chiếu phim nơi đây tại tầng hầm còn có các dịch vụ giải trí đa dạng như quán café lịch sự và thoáng mát, phòng chơi games, quầy hàng mỹ phẩm, trung tâm kỹ thuật số, shop quà lưu niệm.

Ở Hà Nội, TCty CP Vinaconex đang đầu tư dự án tòa nhà 29 tầng khu Đông Nam Trần Duy Hưng, gồm 4 toà nhà có 3 tầng hầm và các tầng nổi cao 25 - 29 tầng toạ lạc trên diện tích 2,968 ha. Tại đây Vinaconex xây dựng 3 tầng hầm, trong đó tầng hầm thứ nhất (B1) rộng 4.200m2 được làm siêu thị nhằm tiết kiệm đất như các đô thị hiện đại trên thế giới.

Gia đình tôi thường chọn nhà hàng cao cấp Moon Valley làm nơi ăn tối và tiếp khách cuối tuần. Đây là nhà hàng nằm trong tầng hầm tòa nhà C.T Plaza (Q.Tân Bình) do C.T Group làm chủ đầu tư. Tòa nhà này ngoài 9 tầng trên mặt đất, còn 2 tầng hầm với khoảng 1.000m2 đã được chuyển thành khu dịch vụ ăn uống. Ông Kha Tôn Thủ, quản lý toà nhà C.T Plaza cho biết: “Diện tích tầng hầm được Cty sử dụng làm trung tâm thương mại ngay từ khi xây dựng. Hiện tại tầng hầm này đã là nơi kinh doanh ăn uống: cụm nhà hàng cao cấp Moon Valley - một trong những chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu của Tập đoàn C.T group Việt Nam. Nhà hàng này sức chứa lên đến 200 khách”.

Một điều thú vị là dù nằm sâu dưới lòng đất, nhưng những nhà hàng, TTTM vẫn nườm nượp khách đến ăn uống, mua sắm. Vì thế, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại những nơi này không hề rẻ. Ở Vincom Center giá thuê từ 35 - 230 USD/m2/tháng, còn C.T Group giá thuê cũng khoảng 20 - 21 USD/m2/tháng. Dù giá thuê không rẻ nhưng tại tầng hầm Vincom Center đạt trên 90% diện tích khách thuê làm cửa hàng. Còn 4.200m2 tầng hầm tòa nhà 29 tầng khu Đông Nam Trần Duy Hưng dù đến tháng 6/2011 mới hoàn tất nhưng đang được rao bán với giá 35 triệu đ/m2.

Kết nối không gian ngầm

Trong thời gian tới, tại Hà Nội và TP.HCM sẽ có nhiều không gian ngầm tiếp tục được xây dựng và kết nối với nhau tạo ra những lợi ích chung cho nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tại Q.1 (TP.HCM) triển khai xây dựng 4 bãi xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, sân bóng đá Công viên Tao Đàn, Sân vận động Hoa Lư và khu vực sân khấu Trống Đồng.

Các nhà đầu tư đã có kế hoạch triển khai kết hợp đậu xe với dịch vụ nhà hàng, các TTTM. Chỉ riêng bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám đã có hơn 30.000m2 diện tích thương mại, dịch vụ (gần bằng 10% diện tích mặt bằng bán lẻ hiện có của TP.HCM). Diện tích thương mại, dịch vụ của 3 bãi đậu xe ngầm còn lại cũng tương đương bãi đậu xe của Công viên Lê Văn Tám.

Song song đó, TP.HCM cũng đang triển khai 7 tuyến metro và nhà ga ngầm đều có thiết kế TTTM, dịch vụ. Vài năm nữa, diện tích mặt bằng bán lẻ có không gian ngầm sẽ chiếm một phần không nhỏ trong thị trường mặt bằng bán lẻ ở TP.HCM.

Thêm một tiện ích nữa, trong một thời gian tới, sau khi hoàn thành phần lớn các không gian ngầm này đều kết nối dễ dàng với nhau bằng các tuyến đường xe điện ngầm, đường đi bộ ngầm. Theo ông Lê Khắc Hiệp thì Cty CP Vincom đang triển khai xây dựng khu EDEN (đường Đồng Khởi, Q.1) thành khu phức hợp gồm khách sạn 6 sao, văn phòng, khu thương mại. Khu Eden cao 6 tầng và 6 tầng hầm (giống như Vincom Center dùng làm khu thương mại) và đặc biệt là 2 khu này sẽ được nối thông nhau qua hệ thống đường ngầm dưới lòng đất qua đường Đồng Khởi. Như vậy, trong năm 2012 sau khi khu Eden hoàn thành thì ở trung tâm TP.HCM sẽ có 2 cụm khu thương mại ngầm dưới lòng đất được kết nối thông nhau giúp giảm tải giao thông trên mặt đất và tăng hiệu quả kinh doanh cho các công trình nổi và ngầm sau này.

Về vấn đề phát triển không gian ngàm, ông Nguyễn Đình Hưng - Phó giám đốc Sở QH-KT TP.HCM cho biết, thời gian tới TP.HCM sẽ tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm. Không gian ngầm được khai thác và phát triển cho các dịch vụ đô thị như giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, không gian công cộng, thương mại, vui chơi giải trí… Kết hợp một cách đồng bộ cho việc phát triển hệ thống giao thông metro đi ngầm, đường hầm chui, bãi đậu xe ngầm… thành hệ thống liên hoàn, thống nhất, hiệu quả.

Song song đó, các tầng không gian ngầm bên dưới các cao ốc cũng có phương án liên thông với các công trình đầu mối giao thông, công trình công cộng để tạo thành một hệ thống giao thông mới nhằm bổ sung, tăng cường thêm năng lực giao thông trên mặt đất ở TP.HCM.

 

Theo Báo Xây dựng