Thứ năm, 01 Tháng 8 2013 14:56
Gần đây trên các phương tiện truyền thông, cụm từ “văn hóa đọc” được dùng khá nhiều, mà hầu hết là những bài nhận xét rằng nước ta đang xuống cấp về văn hóa đọc. Cũng nên dừng lại một chút để mổ xẻ khái niệm này.
Trước hết phải nói ngay rằng dường như chúng ta hiện nay đang lạm dụng cụm từ “văn hóa đọc”. Nói cách khác, chúng ta đang khoác một chiếc áo quá lớn lao và sang trọng cho việc đọc. Rất nhiều bài báo, thậm chí thống kê của các nơi, chỉ đơn thuần nói về việc đọc của người dân hoặc thói quen đọc sách của cộng đồng, nhưng tác giả hoặc cố tình hoặc do thói quen, cứ dùng “văn hóa đọc” theo cái ý nghĩa giản đơn ấy.
Hiểu sao cho đúng?
Văn hóa đọc, ở đây tôi chưa dám nói đến định nghĩa chính xác và đầy đủ nhưng ít ra cũng bao hàm những yếu tố sau: thói quen đọc, mua, tặng sách, thói quen đến thư viện, mức độ phổ biến của thư viện, mức độ phổ biến của hiệu sách, mặt bằng dân trí chung, mức độ tôn trọng bản quyền, gu thưởng thức sách, mức độ phát triển thị trường xuất bản và bán lẻ sách, thái độ đối với văn học... Nói chung rất nhiều yếu tố để cấu thành “văn hóa”.
Tất nhiên có những yếu tố thuộc về cá nhân và có những yếu tố thuộc về cộng đồng, xã hội hay quốc gia. Như vậy, không thể đơn giản dựa vào số sách xuất bản hay số sách bán được rồi chia bình quân đầu người để quy kết về “văn hóa đọc”.
Một người thích đọc sách và đọc nhiều sách có lẽ chưa đủ để gọi là có “văn hóa đọc”. Người ấy có từng tặng ai một quyển sách nào chưa, có từng khuyến khích người khác đọc cuốn sách cụ thể nào chưa, có mua sách lậu không, có đến thư viện bao giờ chưa..., hay thậm chí một việc cỏn con là có dùng thẻ đánh dấu sách (bookmark) không hay vẫn gấp bừa để làm dấu trang đang đọc?
Một sinh viên suốt ngày lên mạng đọc rất nhiều, nhưng lại là đọc truyện khiêu dâm không có bản quyền thì có gọi là có “văn hóa đọc”? Một người mua nhiều, mượn nhiều, đọc nhiều nhưng chưa hề khuyến khích bất cứ ai đọc và nhiều năm mượn sách không trả thì có “văn hóa đọc” không? Sẽ có vô vàn câu hỏi như thế.
Để thói quen đọc lan tỏa
Chính vì khái niệm đó quá to tát và khá phức tạp (chưa kể còn gây tranh cãi) nên việc lâu nay giới truyền thông, giới làm sách, kể cả chính quyền và các nhà giáo dục vẫn thường xuyên nhận xét người dân không có “văn hóa đọc” và kêu gọi phát triển văn hóa đọc dường như đang ngầm hiểu “văn hóa đọc” là “thói quen đọc sách”.
Như vậy để có văn hóa đọc phải làm rất nhiều việc, từ chính sách vĩ mô đến tạo lập thói quen làm việc với sách của từng cá nhân. Bản thân đây đã là một đề tài lớn, khó mà gói gọn được trong một bài viết ngắn.
Trong khi chờ đợi rất nhiều hoạt động khác từ phía Nhà nước hay cộng đồng, có hai việc cần làm và có thể làm ngay. Thứ nhất, điều chỉnh cách dùng khái niệm “văn hóa đọc” bằng cách “trả lại tên cho em” với đúng nghĩa dễ hiểu và gần gũi của nó là “thói quen đọc sách”. Việc này không chỉ để đúng về ngữ nghĩa mà còn giúp thông điệp “hãy lan tỏa thói quen đọc sách” đến với nhận thức của người dân dễ và nhanh hơn.
Thứ hai, khuyến khích mỗi người hãy “thao tác” với sách nhiều hơn, bất kể đó là đọc, là mua, là tặng, là nhận xét... Có rất nhiều việc mà từng cá nhân có thể làm để từ đó dần hình thành thói quen đọc sách cho cả thế hệ.
Theo tuoitre.vn