PVC-IC Tin tức Tin Tập đoàn - Tổng công ty Tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành Dầu khí

Tập trung phát triển nguồn nhân lực ngành Dầu khí

InEmail

Chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí Việt Nam là vấn đề được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại hội nghị “Công tác tổ chức nhân sự và đào tạo”, được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/2 tại TP. Đà Lạt. Đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT dẫn đầu đoàn công tác của PVC tham dự Hội nghị.


Đồng chí Đinh La Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Là lĩnh vực mới của đất nước, nhưng đến năm 2010 lao động toàn Tập đoàn đã có hơn 43.595 người. Trong đó lao động dưới 30 tuổi chiếm 40,27%, trình độ đại học trở lên chiếm 44,78%, trình độ Cao đẳng – Trung cấp chiếm 10,28% và 34,77% là công nhân kỹ thuật. Với trình độ quản lý, tay nghề ngày càng được nâng cao, nguồn nhân lực của Tập đoàn đã có thể đảm nhận việc quản lý, vận hành các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trong và ngoài nước như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Điện Cà Mau, Nhơn Trạch… các dự án công trình trọng điểm như Đạm Cà Mau, Nhiệt điện Vũng Áng, Long Phú – Sông Hậu, Sơ Xợi Đình Vũ...

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Dầu khí đáp ứng nhu cầu phát triển, PetroVietnam đã xây dựng một chiến lược đào tạo cụ thể tiếp theo trong giai đoạn 2011 – 2015.  Các giải pháp chủ yếu là tăng cường đào tạo chuyên sâu ngắn hạn và dài hạn (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ) với nhiều hình thức khác nhau; chú trọng đào tạo chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên môn; tập trung đào tạo thạc sĩ chuyên sâu ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, đào tạo tiến sĩ ở các đơn vị nghiên cứu khoa  học…
Trước mắt, trong năm 2011, PVN tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với việc xây dựng chương trình đào tạo chi tiết chuyên sâu, chuyên gia trong lĩnh vực địa chất, tìm kiếm thăm dò, khai thác..., trên cơ sở đó phối hợp với các đơn vị thành viên như Viện Dầu khí Việt Nam, trường Đại học Dầu khí, trường Cao đẳng nghề Dầu khí… tiếp tục hoàn thiện các chương trình đào tạo. Ngoài ra, PVN cũng yêu cầu các đơn vị cần chuẩn bị nhân lực, bồi dưỡng chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ để sẵn sàng tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, dài hạn.
Để thực hiện tốt Chiến lược đào tạo, PVN cũng chủ trương trong việc kiện toàn hệ thống tổ chức, quản lý cán bộ cho công tác đào tạo của Tập đoàn và các đơn vị; đồng thời chú ý xem xét, bổ sung hợp lý về chương trình đào tạo, số lượng cán bộ đi đào tạo và chi phí đào tạo hợp lý nhất.


Đồng chí Phùng Đình Thực, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ký kết Hợp đồng Lao động với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVC - người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại Tổng công ty PVC - dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Tập đoàn và đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam


Tại Hội nghị, Tham luận về Công tác đổi mới doanh nghiệp và tái cấu trúc của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí việt Nam đã được các đại biểu tham dự Hội nghị đánh giá cao. Theo đó, ngay từ khi nâng cấp thành Tổng công ty, hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con, PVC đã xây dựng và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển dài hạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025, trong đó công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng và được triển khai cụ thể theo kế hoạch từng năm, từng giai đoạn. Công tác đổi mới doanh nghiệp và tái cấu trúc của PVC đã gặt hái được những thành công vẻ vang, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD của của Tổng công ty nói chung và công tác cổ phần hóa và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nói riêng. CBCNV lao động Toàn Tổng công ty hơn 13.000 người, chiếm gần ¼ tổng số CBCNV lao động toàn Tập đoàn. Giai đoạn phát triển tiếp theo, PVC tiếp tục đề ra các mục tiêu, giải pháp tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

(PVC)