PVC-IC Tin tức Tin Tập đoàn - Tổng công ty PetroVietnam – mũi xung kích hội nhập và phát triển

PetroVietnam – mũi xung kích hội nhập và phát triển

InEmail

Từ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất Quyết định thành lập Đoàn thăm dò Dầu lửa 36 - tiền thân của ngành Dầu khí Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí Việt Nam, ngày 20-7-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1034/QĐ-TTg về việc lấy ngày 27-11 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam".

Những con số đáng tự hào

Nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, từ những khảo sát, nghiên cứu ban đầu về Dầu khí của Đoàn thăm dò Dầu lửa tại Đồng bằng sông Hồng, đến nay, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, có nhiều đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế đất nước. Doanh thu của Tập đoàn đã đạt gần 160 tỷ USD, duy trì mức tăng trưởng trung bình 20%/năm; nộp ngân sách Nhà nước hơn 57 tỷ USD (khoảng 25-30% tổng thu ngân sách Nhà nước); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 15%/năm tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng 10 tháng đầu năm 2011, tổng doanh thu của Tập đoàn đã đạt 552 nghìn tỷ đồng (111% kế hoạch năm, tăng 46% so với cùng kỳ 2010); nộp ngân sách 131 nghìn tỷ đồng (128% kế hoạch năm, tăng 32% so với cùng kỳ 2010).

Công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí của PetroVietnam đã được triển khai tích cực và đảm bảo gia tăng trữ lượng dầu khí hằng năm, đủ khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước trong thời gian tới.

Tổng sản lượng khai thác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến hết tháng 10-2011 đạt trên 353 triệu tấn quy dầu (trong đó khai thác dầu đạt trên 281 triệu tấn và khai thác khí gần 82 tỷ mét khối). Tập đoàn đã triển khai thực hiện 61 hợp đồng dầu khí ở trong nước, với số vốn thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt trên 12 tỷ USD;

Triển khai xây dựng công nghiệp khí bao gồm: Hệ thống vận chuyển, các cơ sở xử lý chế biến, hệ thống phân phối; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với 3 hệ thống đường ống dẫn khí (Rạng Đông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn và PM3 Cà Mau) đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả, hằng năm cung cấp 8-9 tỷ mét khối khí khô cho phát triển công nghiệp và các hộ tiêu thụ dân sinh trong cả nước; 4 Nhà máy điện (Nhà máy điện Cà Mau 1, 2 và Nhơn Trạch 1, 2) với công suất lắp đặt đạt 2.700MW, được đưa vào vận hành đúng tiến độ, đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng điện quốc gia, hiện tại Tập đoàn đang tích cực thúc đẩy đầu tư các dự án điện: Vũng Áng 1, Long Phú 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1…, phấn đấu đến năm 2015, tổng công suất các Nhà máy điện do Tập đoàn đầu tư đạt trên 9000MW và sản lượng điện sản xuất của Tập đoàn chiếm khoảng 20-25% sản lượng điện toàn quốc. Nhà máy Đạm Phú Mỹ được đưa vào vận hành từ năm 2004, đến nay đã sản xuất được hơn 4 triệu tấn u-rê. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - biểu tượng của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam đã đi vào hoạt động đúng tiến độ. Các dự án: Đạm Cà Mau, Nhà máy Xơ sợi tổng hợp Đình Vũ Hải Phòng, Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Nhà máy lọc dầu Long Sơn, các dự án chế biến nhiên liệu sinh học… đang được Tập đoàn tích cực triển khai để sớm đưa vào vận hành nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhiên/nguyên liệu, phân bón và cung cấp cho ngành công nghiệp hóa dầu những nguyên liệu và sản phẩm mới, góp phần tích cực giảm nhập siêu cho đất nước.

Các hoạt động thương mại, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, bảo hiểm dầu khí, dịch vụ xây lắp dầu khí, dịch vụ tổng hợp, dịch vụ vận tải… được hình thành, phát triển và có đóng góp đáng kể cho doanh thu của Tập đoàn.

Song song với việc đầu tư phát triển ở trong nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tích cực tìm kiếm, mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, Tập đoàn đã và đang triển khai thực hiện 25 dự án Thăm dò Khai thác Dầu khí (06 dự án Phát triển Khai thác, 12 Dự án Thăm dò và 07 dự án đã và đang làm thủ tục kết thúc) tại 17 quốc gia trên thế giới. Các dự án trọng điểm cũng được triển khai tích cực như: Dự án phát triển mỏ Nhe-nhét-giơ-ki, LB Nga; dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Vê-nê-xu-ê-la; dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào… Kết quả, tháng 9-2006, Petro Vietnam đã có tấn dầu thô đầu tiên khai thác từ nước ngoài và hiện đang khai thác dầu khí tại 6 mỏ (Liên bang Nga, Ma-lai-xi-a…).

Nguồn nhân lực - nhân tố phát triển bền vững

Xác định nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng nhất để phát triển bền vững ngành Dầu khí nên công tác đào tạo nhân lực trình độ cao luôn được PetroVietnam coi trọng. Hiện Tập đoàn có trên 50.000 lao động, trong đó hơn 2.500 người có trình độ sau đại học, hơn 30.000 người có trình độ đại học và cao đẳng. Việc cải cách căn bản chính sách sử dụng lao động, tiền lương, tiền công; công tác đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học đủ năng lực để điều hành hiệu quả các hoạt động dầu khí ở trong nước và nước ngoài đều nằm trong chiến lược trước mắt và lâu dài của PetroVietnam.

Các chính sách về Khoa học - công nghệ; các giải pháp về quản lý, tái cơ cấu, tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, điều chỉnh quy mô, vốn, phạm vi hoạt động các đơn vị trong Tập đoàn phù hợp với điều kiện từng giai đoạn nhằm nâng cao năng lực điều hành của bộ máy quản lý các cấp được xem là những giải pháp mang tính đột phá.

Không chỉ khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, các công trình dầu khí của Tập đoàn còn đóng góp vai trò quan trọng bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, là nòng cốt - hạt nhân trong việc hình thành các khu công nghiệp tập trung tại các địa phương. Việc đưa vào vận hành các dự án tại các khu công nghiệp đã thu hút nhiều doanh nghiệp kinh tế khác trong nước cùng khai thác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng ngân sách và giải quyết nhiều việc làm cho lao động các địa phương. Với các dự án đang được triển khai trên phạm vi cả nước, Tập đoàn đã bước đầu góp phần hình thành các khu công nghiệp đi liền với các dự án ở Cần Thơ, Hậu Giang, Tiền Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ, Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PetroVietnam đã triển khai xây dựng Chương trình hành động và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để cùng cả nước thực hiện thành công kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Với mục tiêu xây dựng PetroVietnam thành Tập đoàn dầu khí quốc gia năng động, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh hoạt động và tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính là: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao, trong đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi. Tập đoàn sẽ đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí ở nước ngoài để đến năm 2020 có khoảng 1/3 sản lượng dầu khí được khai thác ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Với những thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và các mặt công tác khác, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế đất nước, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới...

 

TS. Đỗ Văn Hậu

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam